Tag Archives: EPA

VỤ PHÁT HIỆN CARBENDAZIM TRONG NƯỚC CAM ÉP TẠI MỸ VÀ CUỘC CHIẾN TIÊU CHUẨN HÓA TRONG THƯƠNG MẠI

13 Th2

Trong một diễn tiến mới của vụ việc tổ chức FDA của Hòa Kỳ tuyên bố phát hiện nước cốt cam ép nhập khẩu vào Mỹ và nước cam ép trên thị trường Mỹ có chứa chất Carbendazim, Foodqualitynews.com cho biết trong số 14 mẫu nước cam ép được lấy từ các nhà máy tại Florida chỉ có 5 mẫu không phát hiện có chứa Carbendazim (ngưỡng phát hiện 10 ppb), các mẫu khác đều có chứa dư lượng chất chống nấm này ở mức 13 ppb đến 36 ppb – mức sẽ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ. Thông tin trên cũng cho biết tất cả 15 mẫu này đều được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu.

Dựa trên khuyến nghị của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ – EPA – rằng dư lượng chất diệt nấm này ở mức dưới 80 ppb – ngưỡng chấp nhận với thị trường Châu Âu là 200 ppb – không gây ra sự nguy hại đối với sức khỏe con người, FDA đã quyết định không cần thu hồi các lô sản phẩm đã phát hiện có dư lượng Carbendazim và không cần tiếp tục kiểm tra đối với các sản phẩm nước cam ép đang được tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, FDA vẫn thực hiện quy định cấm nhập khẩu với các lô hàng nước cốt cam ép (phục vụ làm nguyên liệu cho sản xuất nước cam ép bằng cách pha loãng) được phát hiện có dư lượng Carbendazim. Để lý giải cho vấn đề này, FDA cho rằng việc quyết định không yêu cầu thu hồi sản phẩm và tiếp tục lấy mẫu sản phẩm trong nước là dựa trên sự cân nhắc đến sức khỏe của người tiêu dùng, trong khi việc cấm nhập khẩu các lô hàng phát hiện có chứa Carbendazim là dựa trên các quy định luật pháp về an toàn thực phẩm nhập khẩu. Điều này đang làm dấy lên sự quan ngại của các nhà xuất khẩu Brazil và các nước xuất khẩu cam và nước cam ép vào Mỹ về việc áp dụng tiêu chuẩn kép của FDA với các sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm sản xuất trong nước.

Đây là một trong những vụ việc điển hình trong thương mại quốc tế đối với việc sử dụng tiêu chuẩn hóa như một rào cản kỹ thuật nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho một nhóm lợi ích (trong trường hợp này là các nhà sản xuất cam của Mỹ). Nhân vụ việc này nhớ đến vụ người trồng sầu riêng ở Việt Nam sử dụng Carbendazim để trét lên quả sẩu riêng để chống nấm trong bảo quản mới thấy sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn còn một chặng đường đi rất dài để có thể “chiến đấu” ngang ngửa trên một thị trường thương mại quốc tế đầy “cạm bẫy kỹ thuật”./.