Lưu trữ | Tháng Mười Một, 2011

ĐÀO TẠO ĐÁNH GIÁ CHẤT LƯỢNG NỘI BỘ THEO ISO 9001:2008

23 Th11

Đánh giá chất lượng nội bộ theo ISO 9001:2008 không phải là chuyện gì mới, bởi hiện công việc này đã xuất hiện hơn 10 năm ở Việt Nam. Tính ra, với khoảng gần 7.000 tổ chức (kể cả doanh nghiệp, hành chính sự nghiệp và HCNN) đã được chứng nhận thì công đồng các đánh giá viên nộ bộ cũng có thể đã lên đến gần 100.000 người, chưa kể đến những người đã đi đào tạo nhưng chưa hoặc không còn đánh giá nữa. Tuy vậy, việc đánh giá nội bộ sao cho hiệu quả và mang lại lợi ích cho việc cải tiến hoạt động của tổ chức thì không có nhiều đơn vị có thể đạt được.

Trong những năm qua, với mục đích tăng cường khả năng hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện một cách hiệu quả hoạt động đánh giá chất lượng nội bộ của mình, P & Q Solutions đã không ngừng hoàn thiện chương trình đào tạo và bổ sung các công cụ, tài liệu hướng dẫn cho đánh giá chất lượng nội bộ.

Tiếp theo các khóa đào tạo đã thực hiện trong năm 2011, ngày 8-9/12/2011, P & Q Solutions sẽ tổ chức khóa đào tạo chuyên gia đánh giá nội bộ theo ISO 9001:2008 cuối cùng trong năm. Khóa đào tạo này được dành riêng cho các khách hàng của P & Q Solutions nhằm đào tạo mới và bổ sung nhân sự cho nhóm đánh giá nội bộ. Hy vọng rằng với chế độ ưu đãi giảm 50% học phí, khóa đào tạo sẽ là một hoạt động tri ân các khách hàng của P & Q Solutions nhân dịp khép lại một năm 2011 với nhiều thách thức.

 

“CHOÁNG” VỚI CHỈ TIÊU CHẤT LƯỢNG CHỦ YẾU ĐƯỢC CÔNG BỐ TRÊN BAO BÌ SẢN PHẨM

23 Th11

Hôm  nay con gái tôi mới khoe rằng có đơn vị đến tận trường học để phát miễn phí bánh cho học sinh và giáo viên (cho mục đích giới thiệu sản phẩm, tôi đoán vậy). Khi xem qua bao bì thì thấy đó là sản phẩm bánh STUFFINS của Công ty Topcake.

Khi xem mục Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu thì giật mình thấy ghi là “Độ ẩm 10-15%”, “Hàm lượng tro  không tan trong HCL ≤ 0.1%”. Choáng, không thể biết phải nghĩ gì khi ghép cái chỉ tiêu chất lượng chủ yếu này với sản phẩm bánh Suffins này.

Biết là các đơn vị phải cung cấp thông tin về sản phẩm theo quy định ghi nhãn hàng hóa để đáp ứng các yêu cầu pháp luật liên quan, tuy nhiên việc ghi nhãn này cũng cần hướng đến mục đích quảng bá đến người tiêu dùng về những đặc tính quan trọng mà họ có thể quan tâm, và quan trọng là họ phải hiểu được. Tôi đoán là phải đến hơn 90% người tiêu dùng sẽ không thể thấy “Hàm lượng tro không tan trong HCL” có liên quan gì đến loại bánh mà họ mua/sử dụng.

Bó tay!!!!

Q. 02 – TIÊU CHÍ LỰA CHỌN ĐƠN VỊ HIỆU CHUẨN VÀ KIỂM ĐỊNH THIẾT BỊ ĐO LƯỜNG?

23 Th11

Như đã đề cập trong mục trước, hiệu chuẩn thiết bị đo là hoạt động tự nguyện theo pháp luật. Các đơn vị hiệu chuẩn là các đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật thuộc ngành nghề kinh doanh không có điều kiện. Vì vậy, việc lựa chọn tổ chức chứng nhân chủ yếu dựa trên năng lực kỹ thuật và uy tín của đơn vị cung cấp dịch vụ. Để xác định năng lực kỹ thuật hiệu chuẩn, các đơn vị có thể xem xét đến việc Phòng hiệu chuẩn dự định sử dụng có được Công nhận năng lực theo chương trình VILAS theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025 cho lĩnh vực hiệu chuẩn liên quan. Cho mục đích này, ngoài việc đề nghị cung cấp Chứng chỉ công nhận và Phụ lục về phạm vi công nhận, đơn vị có thể kiểm tra danh sách các phòng hiệu chuẩn được công nhận tại website của Văn phòng công nhận chất lượng Việt Nam tại địa chỉ website http://www.boa.gov.vn. Hiện nay, ngoài hệ thống các đơn vị thuộc mạng lưới Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng (thuộc Bộ KHCN và một số bộ ngành liên quan), có một số đơn vị tự nhân và công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực hiệu chuẩn thiết bị đo lường, đặc biệt là các thiết bị đo lường đặc chủng.

Với các đơn vị cung cấp dịch vụ kiểm định, vì đây là hoạt động quản lý nhà nước về đo lường nên đơn vị cần đảm bảo đơn vị dự kiến sử dụng cho mục đích kiểm định được CHỈ ĐỊNH thực hiện kiểm định đo lường cho các thiết bị đo liên quan. Nói chung, các đơn vị thuộc mạng lưới Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng tại địa phương (như Chi cục TC-ĐL-CL, các Trung tâm kỹ thuật TC-ĐL-CL Khu vực I, II, III và IV, …) đều được chỉ định kiểm định cho các lĩnh vực đo lường phổ biến như khối lượng, thể tích, chiều dài, v.v. … Với các thiết bị đo đặc chủng, các đơn vị có thể liên hệ trực tiếp với Viện Đo lường thuộc Tổng cục TC-ĐL-CL tại địa chỉ website http://www.vmi.gov.vn.

Q.01 – PHÂN BIỆT HIỆU CHUẨN & KIỂM ĐỊNH THIẾT BỊ ĐO LƯỜNG

22 Th11

Hiệu chuẩn và kiểm định thiết bị đo là hai hoạt động quản lý thiết bị đo lường nhằm xác định độ chính xác và tin cậy của thiết bị nhưng có mục đích sử dụng và đối tượng thực hiện khác nhau.

Hiệu chuẩn là “hoạt động so sánh giá trị của đại lượng thể hiện bằng phương tiện đo với giá trị tương ứng thể hiện bằng chuẩn đo lường” nhằm xác định sự sai khác của các giá trị đo được với chuẩn đo lường được sử dụng nhằm để quyết định xem thiết bị đo lường có độ chính xác phù hợp với yêu cầu của phép đo. Hiệu chuẩn thiết bị, về mặt pháp luật, là một hoạt động tự nguyện được các đơn vị sử dụng thiết bị đo thực hiện phục vụ cho mục đích kiểm soát nội bộ của mình. Việc hiệu chuẩn có thể được thực hiện bởi nội bộ cơ sở (nếu có đủ điều kiện kỹ thuật và năng lực nhân sự) hoặc bởi một đơn vị cung cấp dịch vụ kỹ thuật bên ngoài. Tình trạng thiết bị hiệu chuẩn, thông thường, được nhận biết thông quả Tem hiệu chuẩn và Kết quả hiệu chuẩn.

Kiểm định thiết bị đo lường, theo Pháp lệnh đo lường, năm 1999, là hoạt động quản lý nhà nước về đo lường nhằm mục đích đảm bảo sự công bằng trong giao dịch thương mại. Về mặt nguyên tắc, các thiết bị đo dùng làm cơ sở đề thực hiện giao dịch thương mại (ví dụ thiết bị cân của người bán hàng, đồng hồ đo xăng, đồng hồ tính cước taxi, …). Bộ trưởng bộ Khoa học và Công nghệ đã ban hành “Danh mục phương tiện đo phải kiểm định” kèm theo Quyết định số 13 /2007/QĐ-BKHCN ngày 06 tháng 07 năm 2007. Việc kiểm định chỉ được thực hiện bởi một đơn vị được chỉ định bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền (trong lĩnh vực Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng) trong phạm vi được chỉ định. Tình trạng kiểm định được thể hiện bằng Tem kiểm định và/hoặc Giấy chứng nhận kiểm định. Ngoài ra, cần phân biệt hoạt động kiểm định đo lường với hoạt động kiểm định các thiết bị có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn – do Bộ Công thương quản lý.

Hiện nay Quốc hội đang thảo luận dự luật đo lường, dự kiến thay thế cho Pháp lệnh đo lường năm 1999. Sau khi Luật được thông qua, việc ban hành các văn bản hướng dẫn dưới luật có thể sẽ có những điểm bổ sung mới đối với hoạt động hiệu chuẩn và kiểm định thiết bị đo được giới thiệu ở trên.

Ý TƯỞNG CẢI TIẾN VS CẢI TIẾN

16 Th11

Hôm nay mấy anh em có một cuộc trao đổi thú vị với một doanh nghiệp về nhu cầu và lộ trình triển khai Kaizen & Lean. Thật “may mắn” là các vị quản lý này rất tự tin với việc cải tiến và theo đuổi mô hình Lean vì họ cho rằng họ có “rất nhiều ý tưởng cải tiến”, từ hiện trường đến quy trình, từ số liệu đến báo cáo. Có những ý tưởng rất to lớn và khi được trao đổi về những chuyện nhỏ hơn như “Access control” hay an toàn trên hiện trường thì đều “ồ, các chuyện đó đều đã được biết đến hết và sẽ triển khai trong thời gian tới”.

Khi nghĩ đễn mối quan hệ giữa Ý tưởng cải tiến & Cải tiến (thực sự được thực hiện) mới thấy thật buồn cho doanh nghiệp nào có quản lý và nhân viên bắt đầu kỳ làm việc với một đầu đầy ý tưởng cải tiến và kết thúc kỳ làm việc với một đầu thậm chí còn đầy hơn các ý tưởng cải tiến nhưng công tác hiện trường, quy trình và hiệu quả công việc không được cải thiện (thậm chí có thể còn xấu đi).