Lưu trữ | Tháng Hai, 2012

VỤ PHÁT HIỆN CARBENDAZIM TRONG NƯỚC CAM ÉP TẠI MỸ VÀ CUỘC CHIẾN TIÊU CHUẨN HÓA TRONG THƯƠNG MẠI

13 Th2

Trong một diễn tiến mới của vụ việc tổ chức FDA của Hòa Kỳ tuyên bố phát hiện nước cốt cam ép nhập khẩu vào Mỹ và nước cam ép trên thị trường Mỹ có chứa chất Carbendazim, Foodqualitynews.com cho biết trong số 14 mẫu nước cam ép được lấy từ các nhà máy tại Florida chỉ có 5 mẫu không phát hiện có chứa Carbendazim (ngưỡng phát hiện 10 ppb), các mẫu khác đều có chứa dư lượng chất chống nấm này ở mức 13 ppb đến 36 ppb – mức sẽ bị cấm nhập khẩu vào Mỹ. Thông tin trên cũng cho biết tất cả 15 mẫu này đều được sản xuất từ nguyên liệu có nguồn gốc nhập khẩu.

Dựa trên khuyến nghị của Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ – EPA – rằng dư lượng chất diệt nấm này ở mức dưới 80 ppb – ngưỡng chấp nhận với thị trường Châu Âu là 200 ppb – không gây ra sự nguy hại đối với sức khỏe con người, FDA đã quyết định không cần thu hồi các lô sản phẩm đã phát hiện có dư lượng Carbendazim và không cần tiếp tục kiểm tra đối với các sản phẩm nước cam ép đang được tiêu thụ trên thị trường. Tuy nhiên, FDA vẫn thực hiện quy định cấm nhập khẩu với các lô hàng nước cốt cam ép (phục vụ làm nguyên liệu cho sản xuất nước cam ép bằng cách pha loãng) được phát hiện có dư lượng Carbendazim. Để lý giải cho vấn đề này, FDA cho rằng việc quyết định không yêu cầu thu hồi sản phẩm và tiếp tục lấy mẫu sản phẩm trong nước là dựa trên sự cân nhắc đến sức khỏe của người tiêu dùng, trong khi việc cấm nhập khẩu các lô hàng phát hiện có chứa Carbendazim là dựa trên các quy định luật pháp về an toàn thực phẩm nhập khẩu. Điều này đang làm dấy lên sự quan ngại của các nhà xuất khẩu Brazil và các nước xuất khẩu cam và nước cam ép vào Mỹ về việc áp dụng tiêu chuẩn kép của FDA với các sản phẩm nhập khẩu và sản phẩm sản xuất trong nước.

Đây là một trong những vụ việc điển hình trong thương mại quốc tế đối với việc sử dụng tiêu chuẩn hóa như một rào cản kỹ thuật nhằm tạo lợi thế cạnh tranh cho một nhóm lợi ích (trong trường hợp này là các nhà sản xuất cam của Mỹ). Nhân vụ việc này nhớ đến vụ người trồng sầu riêng ở Việt Nam sử dụng Carbendazim để trét lên quả sẩu riêng để chống nấm trong bảo quản mới thấy sản xuất nông nghiệp của chúng ta vẫn còn một chặng đường đi rất dài để có thể “chiến đấu” ngang ngửa trên một thị trường thương mại quốc tế đầy “cạm bẫy kỹ thuật”./.

GIẢI MÃ 5S – KHÁI NIỆM, TIẾP CẬN VÀ NỘI DUNG TRIỂN KHAI

12 Th2

5S là phương pháp quản lý (sản xuất) theo phương pháp Nhật Bản, làm cơ sở cho các hệ thống và triểt lý quản lý sản xuất như TPS, TQM và LEAN Manufacturing. Hiện nay 5S hiện diện tại tất cả các tổ chức theo đuổi và đạt được mô hình tổ chức đẳng cấp thế giới (world class manufacturing) với mục đích chính là loại bỏ các lãng phí trong sản xuất, giảm thiểu các hoạt động không gia tăng giá trị, cung cấp một môi trường làm việc với tinh thần cải tiến liên tục, cải thiện tình trạng an toàn và chất lượng.

Theo từ gốc tiếng Nhật, 5 chữ S trong mô hình 5S là viết tắt của Seiri (Sàng lọc), Seiton (Sắp xếp), Seiso (Sạch sẽ), Seiketsu (Săn sóc), Shitsuke (Sẵn sàng).

Bước 1 (Seiri – Sàng lọc) – Tổng vệ sinh, sàng lọc và phân loại

Trong bước này, điều quan trọng nhất là mọi người trong tổ chức cần đảm bảo xác định và phân loại được các dụng cụ, đồ dùng theo tần suất sử dụng:

  • Những thứ chắc được cần đến thường xuyên trong quá trình sản xuất;
  • Những thứ thình thoảng cần đến trong quá trình sản xuất;
  • Những thứ được cho là không còn được cần đến trong tương lai:
  • Những thứ mà tổ chức không cần đến nữa.

Trong quá trình này, cần đảm bảo tổ chức BIẾT một cách chắc chắn về những câu trả lời này chứ không chỉ dừng lại ở những suy nghĩ và suy luận, và mọi người luôn nhớ rằng các vận dụng thừa ra không dùng đến cũng gây ra lãng phí về mặt tiền bạc để cất giữ. Vì vậy, nguyên tắc đơn giản là “Đừng giữ những gì mà tổ chức không cần đến”!

Khi thực hiện sàng lọc, cần đảm bảo việc loại bỏ những lãng phí ngay tại nguồn thông qua bảy bước sau đây:

  • Xác định mức độ bụi bẩn / rò rỉ;
  • Thực hiện việc tổng vệ sinh;
  • Tìm hiểu nguyên nhân gốc rễ của các hiện tượng phát hiện trên hiện trường;
  • Xác định những khu vực “xấu” nhất trong nhà máy / phạm vi xem xét;
  • Liệt kê một cách chi tiết các nguyên nhân cho khu vực này;
  • Quyết định phương châm hành động hiệu quả;
  • Lên kế hoạch tiến độ và ngân sách (nếu cần thiết) cho việc triển khai.

Bước 2 (Seiton – Sắp xếp) – Sắp xếp bố trí lại các khu vực

Trong giai đoạn này mọi thứ cần được xếp đặt vào đúng chỗ của mình, và để như vậy, cần tổ chức khu vực lưu giữ cho các thiết bị/dụng cụ thông qua việc trả lời các câu hỏi như: “Cái gì?” “Ở đâu?”, “Bao nhiêu?”, … .

Nguyên tắc bố trí các vị trí lưu giữ là dựa trên tần xuất sử dụng: những thứ thường xuyên sử dụng được sắp xếp gần với vị trí làm việc, những thứ ít sử dụng được sắp xếp xa vị trí làm việc. Trong phạm vi khu vực sản xuất, tổ chức cần xác định rõ ràng các khu vực đi lại, khu vực làm việc, khu vực nghỉ ngơi, … . Các màu sắc khách nhau có thể được sử dụng để phân biệt mỗi khu vực (ví dụ: màu đỏ cho các vị trí để trang thiết bị phòng cháy chữa cháy, và các khu vực nguy cơ cao về an toàn, màu vàng cho giới hạn khu vực đi lại). Cần lưu ý để các vật dụng thiết yếu  như bình chữa cháy và các trang thiết bị an toàn luôn dễ nhìn và dễ tiếp cận.

Các vị trí lưu giữ cần được đảm bảo thích hợp với mục đích sử dụng, được duy trì tốt, các dụng cụ dễ được tìm thấy, có hình thức nhận biết rõ ràng với dụng cụ và các vị trí. Điều quan trọng là có vị trí cho từng thứ và mọi thứ phải ở đúng vị trí.

Bước 3 (Seiso – Sạch sẽ) – Thường xuyên vệ sinh và kiểm tra

Tổ chức cần lên kế hoạch cho việc kiểm vệ sinh thường xuyên để tạo ra và duy trì một môi trường làm việc gọn gàng và sạch sẽ. Trách nhiệm cần được thiết lập và gắn cho từng khu vực cụ thể và đảm bảo quy định rõ ràng về vai trò và trách nhiệm trong việc về sinh và kiểm tra. Trong bước này, tổ chức cần thiết lập được các chu trình thường xuyên cho duy trì môi trường làm việc sạch sẽ (ví dụ: 5 phút 5S mỗi đầu cuối ngày, 30 phút 5S mỗi chiều Thứ Sáu). Một điều cần quan tâm là đảm bảo việc vệ sinh phải trở thành một hoàn động thường xuyên, liên tục, được giám sát, mọi nhân viên coi đó là niềm tự hào và giá trị đóng góp cho tổ chức.

Sự sạch sẽ là một điều kiện cơ bản cho chất lượng, vì vậy, một khi khu vực làm việc đã sạch sẽ, nó cần được duy trì.

Bước 4 (Seiketsu – Săn sóc) – Duy trì tiêu chuẩn về sự sạch sẽ, ngăn nắp

Tổ chức cần xác định tiêu chuẩn cho những điều được coi là bất thường và làm cho chúng trở nên trực quan, dễ nhận, viết đối với nhân viên. Điều này bao gồm:

·         Việc thiết kế các nhãn mác rõ ràng và tiêu chuẩn cho các vị trí, dụng cụ, thiết bị và đặt chúng ở những vị trí quy định;

·         Hình thành các chỉ số (và cách nhận biết) khi các giới hạn bị  vượt (ví dụ đồng hồ áp lực, đồng hồ nhiệt độ, mức nguyên liệu trong thùng nạp, …);

·         Vẽ sơ đồ đánh dấu vị trí khi các đồ vật/dụng cụ được mang đi hoặc trả lại vị trí.

Ngoài ra, duy trì tiêu chuẩn cũng cần đến việc thiết lập, thống nhất và duy trì:

·         Tiêu chuẩn về sự sạch sẽ;

·         Các quy trình để duy trì tình trạng tiêu chuẩn;

·         Đánh dấu và ghi nhãn thống nhất cho toàn bộ các đồ vật/dụng cụ;

·         Thiết lập phương pháp thống nhất cho chỉ thị về giới hạn, xác định các vị trí, ….

Bước 5 (Shitsuke – Sẵn sàng) – Hình thành thói quen và thực hành

Khó khăn lớn trong thực hiện 5S là việc tuân thủ các quy định. Vì vậy, tổ chức cần hình thành và củng cố các thói quen thông qua hoạt động đào tạo và các quy định về khen thưởng, kỷ luật. Trong bước này, việc đào tạo các quy trình mới nên được thực hiện thông qua các hình ảnh trực quan hơn là lới nói, và luôn đảm bảo mọi người (liên quan) đều tham gia vào việc phát triển các tài liệu tiêu chuẩn như bảng kiểm tra, tiêu chuẩn thao tác. Ngoài ra, tổ chức cần đảm bảo các thực hành đúng được đào tạo và trình diễn, trong khi các thực hành không đúng phải được nhận biết và xử lý. Hãy đảm bảo mọi người đều hiểu và thống nhất thực hiện bởi nếu không có đào tạo và kỷ luật, các bước khác của 5S sẽ không thể thành công.

Nguồn tin: P & Q Solutions (biên dịch theo Beyondlean.com)

ISO 50001:2011 – LỜI GIẢI HAY CHO BÀI TOÁN NĂNG LƯỢNG

12 Th2
Tác giả bài viết: Vũ Thị Việt Hằng – P&Q Solutions

Năng lượng là tài nguyên thiết yếu cho hoạt động sản xuất và sinh hoạt của con người. Việc khai thác chưa hợp lý các tài nguyên năng lượng và sử dụng năng lượng một cách lãng phí đã đẩy nguồn tài nguyên quý giá này đứng trước nguy cơ cạn kiệt, hơn nữa điều này còn gây ra tổn thất không nhỏ tới lợi nhuận của chính doanh nghiệp bởi các chi phí phải trả cho việc sử dụng các nguồn năng lượng vào những thời điểm không cần thiết, hoặc sử dụng chúng với một lượng dư thừa. Do đó, sử dụng năng lượng một cách hợp lý và hiệu quả đã và đang trở thành mối quan tâm chung, đồng thời cũng là một trong những thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nói riêng, và với toàn nhân loại nói chung.

Trước thực trạng khai thác tài nguyên năng lượng và sử dụng năng lượng như hiện nay, nhiều cơ quan quản lý thuộc Chính phủ của các quốc gia và các tổ chức quốc tế đã tham gia vào công cuộc tìm kiếm và lựa chọn các giải pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát việc sử dụng năng lượng, đồng thời đảm bảo các nguồn năng lượng được sử dụng một cách hợp lý và hiệu quả. Tại Việt Nam, Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đã được Quốc hội thông qua vào ngày 17 tháng 6 năm 2010. Như vậy, sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả không chỉ xuất phát từ nhu cầu tối ưu hóa của doanh nghiệp mà còn là bằng chứng chứng minh sự tuân thủ của doanh nghiệp đối với các yêu cầu Pháp luật. Vậy, doanh nghiệp phải làm gì để sử dụng tối đa hiệu quả do các nguồn năng lượng đem lại mà không gây lãng phí? Hệ thống Quản lý Năng lượng theo Tiêu chuẩn ISO 500001:2011 là một giải pháp tốt mà các doanh nghiệp nên cân nhắc và lựa chọn.

ISO 50001:2011 là gì?

Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 là một tiêu chuẩn quốc tế về Hệ thống Quản lý Năng lượng do Tổ chức Tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO) ban hành vào ngày 15 tháng 6 năm 2011.  Bằng việc đưa ra các yêu cầu cần có đối với một Hệ thống Quản lý Năng lượng, ISO 50001:2011 là một công cụ đắc lực cho mọi tổ chức, doanh nghiệp trong việc thiết lập, áp dụng và duy trì Hệ thống Quản lý Năng lượng nhằm nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng, đồng thời tạo cơ sở cho việc tự đánh giá, tự công bố sự phù hợp, hoặc đánh giá và cấp chứng nhận về việc đáp ứng các chuẩn mực quản lý năng lượng bởi các Tổ chức chứng nhận.

Đối tượng áp dụng ISO 50001:2011?

Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 có thể áp dụng cho mọi tổ chức có nhu cầu, không phân biệt quy mô, hoạt động hay yếu tố địa lý.

Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 rất phù hợp với các tổ chức hoạt động với các quá trình tiêu tốn nhiều năng lượng, nằm trong danh sách cơ sở sử dụng trọng điểm, hoặc các doanh nghiệp phát thải khí nhà kính.

Hệ thống Quản lý Năng lượng theo Tiêu chuẩn ISO 50001:2011

ISO 50001 giúp doanh nghiệp tiếp cận quản lý năng lượng theo vòng tròn PDCA, cụ thể:

♦  Plan (Lập kế hoạch):  Xác định các yếu tố ảnh hưởng đến việc tiêu thụ năng lượng và thiết lập các chỉ số hoạt động năng lượng, mục tiêu, chỉ tiêu, các thủ tục kiểm soát và kế hoạch hành động cần thiết nhằm đạt được cam kết trong chính sách năng lượng và cải tiến hoạt động quản lý năng lượng tại tổ chức.

♦  Do (Thực hiện): Tiến hành thực hiện các thủ tục, kế hoạch hành động về quản lý năng lượng đã được thiết lập.

♦  Check (Kiểm tra): Giám sát và đo lường các quá trình và các yếu tố cơ bản của các hoạt động tác nghiệp, giúp xác định các kết quả cụ thể của hoạt động quản lý năng lượng trong tổ chức, chứng tỏ sự phù hợp với chính sách năng lượng và các mục tiêu năng lượng được thiết lập.

♦  Act (Hành động):   Thực hiện các hành động cần thiết nhằm cải tiến liên tục hoạt động năng lượng và Hệ thống Quản lý Năng lượng của tổ chức.

 

Mô hình Hệ thống Quản lý Năng lượng (theo ISO 50001)

ISO 50001:2011 mang lại lợi ích gì cho doanh nghiệp?

Tiêu chuẩn ISO 50001:2011đưa ra khuôn khổ các yêu cầu, giúp tổ chức:

♦  Thiết lập, thực hiện và duy trì chính sách nhằm sử dụng năng lượng một cách hiệu quả hơn;

♦  Thiết lập các mục tiêu, chỉ tiêu nhằm hướng tới chính sách sử dụng năng lượng hợp lý và hiệu quả đã cam kết;

♦  Xác định các yêu cầu pháp luật và yêu cầu khác cần tuân thủ;

♦  Sử dụng các số liệu thu thập được để phân tích và đưa ra các quyết định liên quan tới tiêu thụ năng lượng tại doanh nghiệp;

♦  Đo lường các kết quả, kiểm kê tiêu thụ năng lượng cho các hoạt động, bao gồm cả việc tiêu thụ năng lượng trong quá khứ, hiện tại và tương lai;

♦  Xem xét tính hiệu lực và hiệu quả của chính sách đã cam kết;

♦  Cải tiến liên tục Hệ thống Quản lý Năng lượng.

Áp dụng Hệ thống Quản lý Năng lượng theo Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 giúp doanh nghiệp đánh giá mức tiêu thụ và sử dụng năng lượng hiện tại, tìm kiếm các giải pháp cải tiến nhằm sử dụng một cách tốt hơn các thiết bị sử dụng năng lượng hiện tại, giúp nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng của các máy móc, thiết bị do đó giảm mức năng lượng được sử dụng và giảm được chi phí đáng kể cho doanh nghiệp. Ngoài ra, thông qua việc thiết lập và áp dụng các thủ tục kiểm soát điều hành liên quan tới sử dụng hợp lý và tiết kiệm các nguồn năng lượng, ISO 50001:2011 còn giúp doanh nghiệp tránh được các khoản tiền phạt theo các chế tài xử lý vi phạm trong việc sử dụng năng lượng. Bên cạnh đó, với mục đích sử dụng năng lượng một cách tiết kiệm và hiệu quả , ISO 50001:2011 còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tiến quản lý năng lượng đối với các dự án giảm phát thải khí nhà kính.

Về mặt thị trường, Hệ thống Quản lý Năng lượng được chứng nhận phù hợp với Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 tạo cơ hội cho việc quảng bá, đồng thời đây cũng là công cụ cho doanh nghiệp vượt qua hàng rào kỹ thuật thương mại và giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp đối với khách hàng và cộng đồng, do đó giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và cơ hội cho việc mở rộng thị trường, bao gồm cả việc gia nhập thị trường quốc tế.

Do được xây dựng trên cùng một cấu trúc với Tiêu chuẩn ISO 14001:2004 nên Tiêu chuẩn ISO 50001:2011 có thể được áp dụng độc lập hoặc tích hợp với các hệ thống quản lý khác một cách thuận lợi, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Với những lợi ích trên, ISO 50001:2011 thực sự là một công cụ hữu hiệu cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm các giải pháp sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, góp phần giúp doanh nghiệp theo đuổi chiến lược phát triển bền vững, thể hiện trách nhiệm với môi trường và xã hội trong việc đảm bảo an ninh năng lượng trên phạm vi toàn cầu.

 Theo http://www.pnq.com.vn